Monday, June 24, 2019

Các chương trình/chiến lược can thiệp tự kỷ có bằng chứng khoa học

[Cập nhật ngày 22 tháng 09 năm 2022]

Trên facebook, mình có đọc được một post của phụ huynh thắc mắc: làm sao để tránh khỏi những phương pháp can thiệp tự kỷ không có bằng chứng khoa học?

Với các phụ huynh mới, rất khó để có thể phân biệt các thuật ngữ hay dùng trong can thiệp tự kỷ như hướng tiếp cận, chương trình can thiệp, giáo án can thiệp, chiến lược can thiệp,...

Nói một cách dễ hiểu, trước khi can thiệp cho trẻ, cần lựa chọn "hướng can thiệp" hay "triết lý tiếp cận vấn đề". Gia đình mình chọn ABA là chủ đạo. Nhiều gia đình chọn ngữ âm trị liệu, hay vận động trị liệu là hướng đi chính. Đa số trẻ tự kỷ cần nhờ thêm chuyên gia của nhiều chuyên ngành cùng tham gia. Cái này là tuỳ kiến thức, quan điểm, góc nhìn về tự kỷ của từng phụ huynh.

Mỗi chuyên ngành (ABA, âm ngữ trị liệu, vận động trị liệu) lại có một loạt các chiến lược can thiệp (tức kĩ thuật giúp giảm hành vi không mong muốn, dạy kĩ năng cho trẻ), hoặc các "gói can thiệp", các chương trình, giáo án can thiệp từ nho nhỏ đến đồ sộ khác nhau. 

Tuy nhiên, các giải pháp can thiệp trên, dù đơn giản như một protocol dạy trẻ nói ra yêu cầu, hay dạy trẻ đi vệ sinh, đều có thể được nghiên cứu lâm sàng, viết thành bài báo khoa học và công bố trên các tạp chí có bình duyệt. Giải pháp can thiệp nào làm được chuyện này thì gọi là "có bằng chứng nghiên cứu" (research-based), nếu giải pháp đó trải qua nghiên cứu đủ nhiều, đủ uy tín, thì gọi là "có bằng chứng khoa học" (evidence-based). 

Thế nào mới được gọi là "có bằng chứng khoa học"?

Có rất nhiều tổ chức, đoàn hội nghiên cứu về tự kỷ đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng tiêu chí uy tín nhất, được nhiều sách vở chính thống, hướng dẫn lâm sàng của nhiều quốc gia trích dẫn, là tiêu chí từ National Clearinghouse on Autism Evidence and Practice (NCAEP). Tiêu chí này nói rằng, để một chiến lược/chương trình can thiệp được gọi là có bằng chứng khoa học, thì giải pháp can thiệp đó phải thoả mãn một trong 3 tiêu chí sau:

a. 2 nghiên cứu chất lượng cao, có phân nhóm, được thực hiện bởi 2 nhóm nghiên cứu khác nhau.

b. 5 nghiên cứu chất lượng cao, không chia nhóm, với tổng số đối tượng được nghiên cứu tối thiểu là 20, được thực hiện bởi 3 nhóm nghiên cứu khác nhau.

c. 1 nghiên cứu chất lượng cao, có phân nhóm + 3 nghiên cứu chất lượng cao, không chia nhóm. Các nghiên cứu này phải được thực hiện bởi 2 nhóm nghiên cứu khác nhau.


Dựa trên các tiêu chí đó, NCEAP (và các đơn vị tiền thân) đã liên tục cho ra các báo cáo về chứng cứ khoa học trong can thiệp tự kỷ. Báo cáo mới nhất là năm 2020, có thể tải về ở đây.

Đây là báo cáo rất uy tín, được đa số các trường học Mỹ và trung tâm can thiệp tự kỷ dùng để quyết định chọn hay loại các giải pháp can thiệp.

Cũng xin lưu ý các phụ huynh mới là trên thực hành lâm sàng, thông thường các nhà can thiệp sẽ kết hợp rất nhiều giải pháp, chiến lược, kĩ thuật được nêu trong báo cáo NCEAP 2020 này, tuỳ theo trẻ, tuỳ theo từng thời điểm và nguồn lực sẵn có.

Nếu một nhà lâm sàng hay trung tâm nào không biết đến các giải pháp có bằng chứng khoa học này, hoặc nói rất hay về những phương pháp can thiệp nghe rất "lạ tai", thì quý phụ huynh xin hãy cảnh giác. Thực hành theo các trị liệu có bằng chứng khoa học sẽ giúp trẻ tiết kiệm thời gian, đạt được hiệu quả cao và đôi khi, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho gia đình.

Cũng như vậy, nếu bạn nhận được lời mời tham gia một khoá học, một nghiên cứu cho một giải pháp can thiệp quá mới, xin tìm hiểu xem giải pháp đó có đáng tin hay không (dù chưa đến mức "có bằng chứng khoa học", thì cũng phải "có bằng chứng nghiên cứu" rồi; tức là ít ra hướng đi này cũng đang phát triển, có nhiều nhóm thấy "có lý" mà cùng tham gia nghiên cứu). Cũng xin cảnh giác với các nhà khoa học hay các nhà lâm sàng chuyên về tự kỷ, nói rất hay về một hướng tiếp cận hay/mới/chưa nơi nào có; nhưng tuyệt nhiên không được thẩm định qua các bài báo khoa học, bởi để được công nhận là "có bằng chứng khoa học đâu có khó, hãy nhìn tiêu chí b) ở trên, NCEAP chỉ yêu cầu nghiên cứu thành công trên 20 trẻ là được kia mà.



No comments:

Post a Comment