Can thiệp phối hợp (Eclectic interventions)
Cũng giống như dùng thuốc, trong Đông y người ta không trộn dược liệu loạn xà ngầu, mà phải theo công thức "quân, thần, tá, sứ"; trong Tây y, phối hợp thuốc là một nghệ thuật. Can thiệp tự kỷ có vài chục phương pháp, từ phương pháp mới được nghiên cứu chút ít, tới phương pháp có bằng chứng mạnh mẽ. Phương pháp nào cũng có triết lý hay, thuyết phục, có vẻ có ích, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, đặc biệt là với trẻ tự kỷ, cả một phổ dài khiếm khuyết. Trên thực tế, phụ huynh thường cho con học đủ thập bát ban võ nghệ mà thiếu vắng sự tư vấn đầy đủ từ các nhà chuyên môn có kinh nghiệm. Các chương trình tổng hợp này, có thể là một tập hợp toàn các chương trình "brand-name", hàng hiệu, hoặc gồm một brand-name và nhiều thứ chưa được kiểm chứng; món nào cũng có chỗ vài ngày trong tuần. Đây gọi là trường phái can thiệp phối hợp (eclectic interventions).
- Các đặc điểm của chương trình can thiệp giúp đạt hiệu quả tốt nhất:
GS Reed cho rằng, yếu tố tiên lượng một chương trình can thiệp phối hợp tốt hay không nằm ở các thành phần mà phụ huynh chọn cho bé. Ở hình dưới, GS Reed liệt kê lợi ích khi một phương pháp can thiệp có mặt trong công thức phối hợp.
- Sự có mặt của ABA trong công thức phối hợp sẽ giúp tăng IQ, nhưng không làm tăng kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng xã hội - thích ứng. Ngược lại, sự có mặt của TEACCH trong công thức phối hợp sẽ giúp tăng kỹ năng xã hội - thích ứng, nhưng không làm tăng kỹ năng ngôn ngữ và IQ.
- Nếu chúng ta chọn các chương trình can thiệp chuyên sâu vào kỹ năng xã hội (social skills) và kỹ năng giao tiếp (communication) thì chỉ giúp tăng IQ.
- Nếu trong công thức có các chương trình can thiệp ngữ âm trị liệu (SLT) hay vận động trị liệu (OT) thì giúp làm tăng kỹ năng ngôn ngữ nhưng lại làm chậm kỹ năng xã hội - thích ứng.
- Các thành phần can thiệp sử dụng cha mẹ với vai trò chủ đạo không tạo nên sự khác biệt nào trong cả 3 nhóm kỹ năng (không tốt hơn, cũng không cản trở gì).
Phối hợp các chương trình can thiệp là một công việc khó, tùy thuộc vào các dịch vụ có sẵn tại từng địa phương, nhu cầu của các bé. GS Reed nêu ra một ví dụ: kết hợp ABA và TEACCH làm mất ưu điểm tăng IQ của ABA nhưng lại làm tăng kỹ năng xã hội - thích ứng.
Hình dưới đây cung cấp cho chúng ta 3 nhóm kết hợp có thể mang lại lợi ích, với % thời lượng tương ứng.
Nhóm 1 - Can thiệp chính bằng ABA, TEACCH và Kỹ năng xã hội → tăng kỹ năng xã hội - thích ứng.
Nhóm 2 - Can thiệp chính bằng Kỹ năng xã hội, SLT và OT → tăng kỹ năng ngôn ngữ.
Nhóm 3 - Can thiệp chính bằng Kỹ năng xã hội, giao tiếp và TEACCH → tăng IQ và kỹ năng ngôn ngữ.
- Các đặc điểm của bé (nội lực) giúp đạt hiệu quả tốt nhất:
1. Tuổi bắt đầu can thiệp <47 tháng.
2. IQ lúc bắt đầu can thiệp càng cao càng tốt.
3. Năng lực ngôn ngữ lúc bắt đầu can thiệp. Năng lực ngôn ngữ càng cao, lợi ích từ chương trình càng lớn.
4. Kỹ năng xã hội - thích ứng cao (điểm Vineland >54 điểm) → đáp ứng với can thiệp càng tốt.
[Bình luận của Harry Le]
Các tổng kết trong bài này của GS Reed thuần túy dựa trên các phân tích gộp - meta-analysis. Các biến thống kê mà GS dùng như "ABA" thực ra là để chỉ một chiến lược ABA khá nổi tiếng trong can thiệp sớm là DTT. ABA, như chúng ta biết, là một nguyên lý can thiệp, gồm 7 tính chất. Dưới cái ô của ABA, hiện nay, có hơn 20 chiến lược can thiệp được công nhận có bằng chứng khoa học, trong đó, có nhiều chiến lược ABA hiện đại rất giống với cách tiếp cận can thiệp của các nhà ngữ âm trị liệu. Do đó, khi lựa chọn một trung tâm ABA để can thiệp cho con, không nên quá lo lắng họ chỉ thực hành ABA truyền thống, để rồi trẻ không đạt các mục tiêu về kĩ năng thích ứng.
[Cập nhật ngày 11 tháng 10 năm 2020]
No comments:
Post a Comment