Thursday, September 12, 2019

Các yếu tố tiên lượng sự thành công của một chương trình can thiệp tự kỷ (1)


"Nội lực" của bé và các yếu tố tiên lượng

Sau khi đã có chẩn đoán tự kỷ, lựa chọn được phương án can thiệp phù hợp nhất cho bé, một vấn đề nữa làm mình băn khoăn (và tò mò), đó là: có yếu tố nào giúp dự đoán được con mình sẽ tiến bộ với chương trình can thiệp? 

Câu trả lời mình thường thấy trên các diễn đàn tự kỷ là: tùy vào nhiều yếu tố, nhất là nội lực của các con. Vậy các yếu tố tiên lượng một chương trình can thiệp sẽ thành công (hay trầy trật) là gì? Cái gọi là "nội lực" là cái gì? 

Mình đã tìm thấy câu trả lời trong 2 cuốn sách sau:
Handbook of Treatments for Autism Spectrum Disorder, Johnny Matson, Springer (2017)
Interventions for Autism: Evidence for Educational and Clinical Practice, Phil Reed, Wiley (2016)
Các yếu tố tiên lượng, có cái không thay đổi được, nhưng rất may, có nhiều yếu tố ta có thể tác động để làm tăng xác suất thành công của can thiệp, giúp bé đạt được mức phát triển tối đa.

Xin lưu ý là, sự thành công như trong tiêu đề loạt bài viết này, được dịch từ cụm từ positive outcomes - các kết cuộc tốt. Thuật ngữ này nghĩa là gì? Trong thế giới can thiệp tự kỷ, có rất nhiều phương pháp, giáo án, chương trình can thiệp thuộc nhiều trường phái. Ai cũng cho rằng mình cải thiện được rất nhiều vấn đề cho trẻ. Tuy vậy, những tuyên bố đó chỉ được coi là đúng khi tiến hành nghiên cứu lâm sàng, đo đạc và công bố kết quả trên các tạp chí chuyên ngành. Các tiến bộ của trẻ trên nghiên cứu được gọi là positive outcomes. GS Reed đã viết nhiều chương khảo sát các outcomes này để kết luận xem hướng can thiệp nào giúp cải thiện cái gì cho trẻ, chứ không dựa vào các tuyên bố đơn phương của các nhóm phát triển chương trình can thiệp. Loạt bài này là câu trả lời của GS Reed cho câu hỏi: giả sử ta lựa chọn một hướng can thiệp bất kì, vậy các yếu tố nào, cả từ bé và từ chương trình can thiệp, sẽ giúp trẻ đạt được những positive outcomes mà ông đã tìm ra.

Yếu tố tiên lượng thay đổi tùy theo triết lý can thiệp

Chọn lựa phương pháp can thiệp cho con là một quá trình khó khăn, có lẽ phụ huynh nào cũng từng trải qua. Mình trao đổi với các phụ huynh tại các buổi hội thảo thì thấy có rất nhiều phương án khác nhau. GS Reed chia các phương án can thiệp làm 6 nhóm:

1. Can thiệp hành vi toàn diện (Comprehensive Behavioural Interventions). Đây là nhóm tin vào ABA. Các chương trình can thiệp trong nhóm này là EIBI (Lovaas hoặc AVB¹). Phụ huynh trong nhóm này thường chọn chương trình can thiệp toàn thời gian (30 - 40 giờ/tuần) tại trung tâm.

2. Các kỹ thuật thay đổi môi trường dạy học (Teaching Environment Modification Techniques). Các phương pháp này thường được áp dụng trong các môi trường khác nhau (nhà trường, gia đình, trung tâm bảo trợ,...), có chia sẻ nhiều kỹ thuật và phương pháp với ABA (behavior) và phương pháp can thiệp dựa vào các chặn phát triển (development). Mô hình nổi tiếng của nhóm này là TEACCH và LEAP. Các mô hình này, ngay tại Hoa Kỳ, cũng chưa phổ biến, mặc dù chất lượng đã được kiểm chứng². Nguyên nhân có thể là do hệ thống MTSS có tính linh hoạt và bằng chứng khoa học tốt hơn.

3. Các mô hình can thiệp dựa vào phụ huynh và các mốc phát triển (Developmental and Parent‐Mediated Treatment Models). Các chương trình này phối hợp các chiến lược can thiệp ABA có bằng chứng khoa học với nhau, hoặc kết hợp chúng với các triết lý can thiệp khác chưa có đủ bằng chứng khoa học. Chúng ta hay nghe tới ESDM, SCERTS, DIR-Floortime, More than words, Options-Son-Rise,... Các tác giả của nhóm này tin rằng một can thiệp tốt nhất nên được tiến hành trong môi trường tự nhiên, tại nhà, so cha mẹ làm can thiệp chính,...

4. Can thiệp phối hợp (Eclectic Interventions). Nhiều phụ huynh cho con theo đuổi nhiều chương trình khác nhau cùng lúc. Ở trung tâm nơi con mình theo học, có phụ huynh cho con học ABA nửa ngày (cô nói ABA giúp bé có nhiều kỹ năng, giảm hành vi nhanh chóng), sau đó cho bé theo học play therapy (cô biết chơi nhập vai - pretend games - sẽ giúp bé mau tiến bộ về ngôn ngữ), ngoài ra bé còn học music therapy, các chương trình chuyên sâu về giao tiếp xã hội của các nhà ngữ âm trị liệu. Tổng số giờ học của bé 1 tuần là 47 giờ, cao hơn bất kỳ chương trình EIBI nào mình từng biết.

5. Trị liệu tác động vào thực thể và cảm giác (Sensory and Physical Stimulation Treatments). Các giải pháp này bao gồm: tích hợp giác quan, tích hợp thính giác/thị giác, massage, ôm,...

6. Giáo dục đặc biệt/hòa nhập (Inclusive/Special Needs Education). 

GS Phil Reed đã dày công tổng hợp các nghiên cứu từ 40 năm nay, để chỉ ra các yếu tố tiên lượng của các nhóm phương pháp can thiệp. 

Các thảo luận sau đây đều được dịch từ 2 sách trên, nếu mình bàn luận ở chỗ nào thì sẽ ghi chú rõ đó là ý kiến riêng của mình.

---
¹ Sách có nhắc đến CABAS, nhưng mình thấy chương trình này không phổ biến lắm.
² Sách có nhắc đến Daily Living Skills Therapy (Higashi), nhưng mình thấy chương trình này không phổ biến lắm. 

No comments:

Post a Comment